“VỀ BÁO VỚI ANH EM CỦA THẦY ĐỂ HỌ ĐẾN GALILE.
HỌ SẼ ĐƯỢC GẶP THẦY Ở ĐÓ”
(Mt 28,10)
Hôm nay, ngày 07 tháng 04 năm 2018, thứ bảy tuần bát nhật phục sinh, nguyện đường Bát Phúc ở nhà chính Tu Đoàn Nữ Bác Ái Xã Hội là điểm hẹn cho các nữ tu thuộc Tu Đoàn Nữ Bác Ái Xã Hội theo tiếng gọi của Chúa Giêsu Phục Sinh quy tụ về đây để tham dự kỳ tĩnh tâm tháng 04 năm 2018.

Với chủ đề “Chúa Phục Sinh và sự đổi mới” cha Gioan Trần Văn Thức đã giúp các chị em có cơ hội nhìn nhận và suy ngắm hai trạng thái của các môn đệ trước và sau khi Chúa Phục Sinh.
- Thế nào là người môn đệ của Chúa Giêsu?: là những người được Chúa yêu thương chọn gọi, Chúa quy tụ về bên Chúa để ở với Chúa, được Chúa dạy dỗ, chứng kiến các phép lạ Chúa làm và để Chúa sai đi.
- Sau khi Chúa phục sinh, một số môn đệ đã nhận ra Chúa, cảm nghiệm được Chúa và sống trong tâm tình tràn đầy niềm vui, sự hăng say trong sứ vụ; Nhưng bên cạnh đó còn có một số khác các môn đệ vẫn sống trong tâm tình của tiền phục sinh.
- Tâm thái của người môn đệ trước Chúa phục sinh:
- Các môn đệ ngày xưa được Chúa chọn gọi thì bây giờ sau hơn hai ngàn năm chúng ta cũng được chính Chúa yêu thương chọn gọi và trao cho chúng ta sứ vụ đem Tin Mừng đi khắp cùng trái đất.
- Người môn đệ sống tiền phục sinh mang theo tâm trạng thất vọng, chán chường, sợ hãi, không còn chút hy vọng nào vào tương lai, chính vì thế mà có người đã lựa chọn từ bỏ ơn gọi cao quý mà Chúa ban cho chính mình để quay về với nếp sống thường ngày (hai môn đệ trên đường Emmau).
- Được các tông đồ và các môn đệ giảng dạy chúng ta xác tín “Chúa Kitô tử nạn phục sinh là đối tượng duy nhất, là sức mạnh cho đời tu”. Thế nhưng mặc dù Chúa đã phục sinh hơn hai ngàn năm nhưng nhiều lúc chúng ta vẫn sống trong tâm thái của các môn đệ tiền phục sinh.
- Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “ở đâu có tu sĩ thì ở đó có niềm vui”. Mỗi chúng ta qua cuộc sống riêng tư của bản thân đối với Chúa, với đời tu của mình thì ta có thực sự sống Tin Mừng sau Chúa Kitô Phục Sinh, hay vẫn đang sống thái độ của người môn đệ tiền phục sinh. Đây là một thách đố cho các môn đệ khi họ phải chứng kiến cái chết của thầy mình, và cũng là thách đó cho mỗi chúng ta ngày nay khi chúng ta chấp nhận lội ngược dòng đời để bước theo lý tưởng trở thành môn đệ của Chúa.
- Ba lần Chúa Giêsu loan báo cuộc khổ nạn của Ngài nhưng các môn đệ không hiểu, như vậy thiếu hiểu biết về Chúa là nét đặc trưng của người môn đệ tiền phục sinh, họ còn mang đầy tham vọng, tranh giành quyền lực. Nhiều lúc đời tu chúng ta cũng còn mang rất nhiều tham vọng trần thế: Được người khác trọng vọng, thích hư danh, muôn tìm nhưng công việc, những vị trí nổi trội hơn người khác… nhưng khi theo Chúa chỉ để tìm hư danh thì rất dễ bị đứt gánh giữa đường.
- Khi giờ sự thật đến, các môn đệ tiền phục sinh sợ hãi, hoài nghi chính vì thế việc làm môn đệ chấm dứt trong sự nghi nan, đau khổ. Liên đới với đời tu chúng ta có rơi vào hoàn cảnh này không? Chúng ta có thể thoát khỏi nếu chúng ta rơi vào nó hay không? Nếu chúng ta cứ sống tâm trạng tiền phục sinh thì dù chúng ta có nắm vững giáo lý, biết rõ về Chúa, nói về Chúa rất hay nhưng chỉ nói thôi mà không sống với Chúa, không nhận ra Chúa Kitô hiện diện trong cuộc sống của mình, trong tâm hồn mình, không ở với Chúa thì cuộc đời của chúng ta cũng sẽ đứng trước thử thách đêm đen của tâm hồn, chúng ta cũng bị khủng hoảng, cũng bất an, cũng bị phân tán và nhiều người trở về với nếp sống cũ như các môn đệ về làng Emmau. Nhưng đây không phải là khía cạnh nghiệm trọng nhất của vấn đề, còn tang thương hơn nữa là hoàn cảnh những người ở lại trong đời tu mà không tin tưởng vào dự phóng của đời mình, không nhiệt tình cho sứ vụ và trở về với tâm trạng chán chường như các môn đệ trên đường Emmau, buồn phiền, chán nản và vỡ mộng, hoàn cảnh này còn tệ hơn đường hâm đen tối, nó giống như một bức tường dày không thể đâm thủng được. Như vậy, đời tu sẽ kéo lê hết ngày này qua ngày khác trong đau khổ cơ cực. Cũng như Maria khi viếng mồ Chúa, hình ảnh ngôi mộ trống làm cô hoảng sợ. Người ta nói khủng hoảng căn tính đời tu hay đúng hơn là khủng hoảng mất Chúa, như vậy đời tu mất Chúa liệu đời tu có còn ý nghĩa hay không?
- Tâm thái của người môn đệ cảm nhận được Chúa Phục Sinh:
- Khi các môn đệ nhận ra Chúa Giêsu đã phục sinh, hoàn cảnh của họ đã được đổi thay, trở nên sinh động: nhận ra Chúa Phục Sinh họ lập tức đứng dậy quay trở về Giêrusalem, trở về từ sự phân tán và tụ họp nhau thành một cộng đoàn, nỗi buồn, thất vọng chán chường giờ đây trở thành niềm vui, phấn chấn trong tâm hồn.
- Việc làm môn đệ của Chúa Giêsu Phục Sinh sinh động với niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh, các môn đệ với những con người đó, yếu đuối của loài người nhưng giờ đây họ trở nên sinh động với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, nỗi sợ hãi trở thành niềm vui vì được chịu đau khổ vì Chúa Kitô. Thay vì về quê thì bây giờ tụ họp với nhau thành cộng đoàn, sự tháo chạy bây giờ được thay đổi thành việc làm môn đệ trung tín với Đức Giêsu, vững vàng cho đến chết và sẵn sàng chịu chết để làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh. Cảm nghiệm Đức Kitô Phục Sinh là nền tảng của niềm tin Kitô giáo. Đức Giêsu là Chúa, Người đang sống, Thiên Chúa đã cho Người chỗi dậy và kế hoạch cứu độ được hoàn thành. Đây là Đấng chúng ta phải noi theo, Người là đường, là sự thật và là sự sống. Người môn đệ sau Chúa Kitô phục sinh là người có lửa, họ hăng say, mạnh dạn không sợ bất cứ quyền lực nào.
- Điểm hẹn Galilê:
- Chúng ta gặp gỡ Chúa Kitô phục sinh ở đâu? Qua Tin Mừng thì Ngài nói với Maria Mađalêna là về báo cho các môn đệ đến Galilê chờ Thầy ở đó. Như vậy Galilê chính là điểm hẹn mà Chúa nói với các tông đồ qua Tin Mừng. Galilê là điểm hẹn, Galilê là nơi đây, là cộng đoàn, là tâm hồn của mỗi người, là những người nghèo, những vùng đất mà Chúa đã lệnh truyền cho Giáo Hội “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Thầy”. Galilê là cộng đoàn của Giáo Hội sơ khai và cũng chính từ Galilê đó cộng đoàn Giáo Hội sơ khai lớn mạnh qua ba trải nghiệm:
+ Thứ nhất là trải nghiệm thần trí Đức Giêsu: Các môn đệ tụ họp trong nhà, các cửa đều đóng kín và Đức Giêsu hiện đến ban bình an cho các môn đệ. Ngài thổi thần khí lấy hình lưỡi lửa đậu trên các tông đồ và lập tức các ông đầy ơn Chúa Thánh Thần, bắt đầu tung cửa ra và làm cho mọi người đều kinh ngạc.
+Thứ hai là Cảm nghiệm được cộng đoàn: đời sống cộng đoàn là nơi Chúa Giêsu hiện diện, hàng tuần các Kitô hữu tụ họp nhau để cầu nguyện và bẻ bánh chia sẽ cho nhau để không ai phải túng thiếu.
+ Thứ ba là cảm nghiệm hoặc thực hành làm môn đệ của Đức Kitô như các tông đồ: Điều vẫn có từ khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, đã thấy tận mắt, chiêm ngưỡng và tay chúng tôi chạm đến đó là Lời sự sống để rồi mỗi người luôn vui, vui sống với, sống cùng, sống cho Chúa Kitô, nỗi buồn với Chúa Kitô chính là ánh sáng, là sự sống của chúng ta, và Lời Ngài cũng sẽ còn mãi vang vọng “Anh em hãy đi và làm chứng cho Thầy”.
- Dưới ánh sáng của Chúa Kitô Phục Sinh chúng ta thấy được sức mạnh tình yêu của Chúa Giêsu, tình yêu chiến thắng hận thù để vượt qua gian khổ thử thách của cuộc đời. Dưới ánh sáng của Chúa Giêsu chúng ta nhiệt thành làm chứng cho Đức Kitô Phục Sinh và những người môn đệ của Chúa Phục Sinh phải là những người có tâm hồn, có lửa là lửa yêu thương, lửa nhiệt thành tông đồ, lửa Chúa Thánh Thần nghĩa là luôn luôn biết mở rộng tâm hồn để lắng nghe và làm theo Chúa Thánh Thần.
- Kinh nghiệm trong đời dâng hiến ta thấy rằng sống đời tu mà không dấn thân sẽ không thể nào làm chứng tá cho niềm tin Phục Sinh, thái độ không vui khi nhận công tác hay phàn nàn trách móc khi gặp khó khăn, những kiểu đưa đẩy công việc cho người khác không phải là thái độ chứng tá của người tự do, người môn đệ Chúa Kitô. Người sống đời dâng hiến có muôn ngàn lý do để bào chữa, để khước từ, dễ bề an tâm với việc mình thích, những lối sống như vậy sẽ làm giảm nhiệt tâm của anh chị em khác, ảnh hưởng không nhỏ đến đào tạo tương lai của hội dòng, làm biến chất đời tu. Như vậy chúng ta hãy tới gần Chúa Giêsu, xác tín rằng Chúa Giêsu hiện diện trong cuộc đời dâng hiến, hãy yêu mến Thánh Thể Chúa, sống kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể vì Thánh Thể là một trong những trọng yếu của chiều kích chiêm niệm, ơn gọi của đời dâng hiến là ơn gọi sống nhờ thánh Thể và cho Thánh Thể, lòng sùng kính của chúng ta phải phân định sâu sắc và được coi là chính yếu trong sinh hoạt của mình. Cộng đoàn có Thánh Thể hiện diện giữa mái ấm huynh đệ sẽ làm cho sinh hoạt của chúng ta sốt sắng và nhiệt tình hơn. Đức Giêsu hiện diện chia sẽ cuộc sống với chúng ta và biến ngôi nhà của chúng ta thành mái ấm Nazarét nơi mà mọi người tôn kính Thiên Chúa và yêu thương nhau. Thánh Thể phải là trung tâm của đời sống dâng hiến, là nguồn nghị lực giúp chúng ta vượt thắng những khó khăn thử thách đen tối để hoàn thành nhiệm vụ.
Sau bài giảng của Cha Gioan, trong bầu khí thinh lặng, các chị em dành hết tâm tình của mình bên Chúa Giêsu Thánh Thể để cầu nguyện, chiêm ngắm và kín múc nguồn sức mạnh tình yêu từ Thánh Thể, sau đó là giờ chia sẽ chung theo từng lớp thật ý nghĩa.
Tĩnh tâm kết thúc với giờ chầu Thánh Thể vào lúc 11 giờ trong bầu không khí ấm áp và vui tươi của tuần Bát Nhật Phục Sinh. Nguyện xin Chúa Kitô Phục Sinh ban tràn trề hồng ân xuống trên cộng đoàn và trên từng chị em chúng con để từ đó chúng con luôn sống xứng đáng là người môn đệ đón nhận mầu nhiệm Chúa Phục Sinh.












BTT Tu Đoàn Nữ Bác Ái Xã Hội